Trẻ con lớn nhanh như thổi nên ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ cần được bổ sung dưỡng chất khác nhau. Bỗng nhiên một ngày mẹ nhận thấy bé không còn hào hứng với sữa mẹ hay sữa công thức nữa; mà hớn hở và thích thú khi thấy những món ăn đầy hấp dẫn mà mẹ làm. Đó là lúc mẹ có thể chuyển sang giai đoạn mới quan trọng hơn trong quá trình chăm sóc bé: cho con ăn dặm. Tuy nhiên, cho con ăn dặm thế nào là đúng? Bài viết này là một bách khoa toàn thư về kiến thức ăn dặm cho trẻ, bao gồm các câu hỏi thường gặp như: khi nào nên cho trẻ ăn dặm, ăn dặm đúng cách là như thế nào, các thực phẩm trẻ không nên ăn,...
Xem thêm:
1. Khi nào thì nên cho bé ăn dặm?
Hầu hết các bậc phụ huynh thường có suy nghĩ rằng thời điểm bắt đầu cho con ăn dặm là lúc bé được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên đây không phải là mốc chính xác cũng như không phải tiêu chuẩn duy nhất để bé bắt đầu hành trình ăn dặm của mình. Thực chất, ba mẹ có thể nhận thấy việc bé yêu đã sẵn sàng ăn dặm khi có những dấu hiệu sau:
- Bé biết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi.
- Bé có phản ứng đưa môi về phía trước để nhận thức ăn vào miệng
- Biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó (từ chối thức ăn không thích).
- Không còn có phản xạ đùn (đẩy) thức ăn ra. Đó là phản mà trẻ đưa lưỡi về phía trước và lên trên khi cho ăn.
- Sự thèm ăn của bé sẽ tăng lên và chúng sẽ không còn được thỏa mãn khi chỉ ăn sữa.
- Bé cảm thấy hứng thú đối với món ăn nào đó hoặc có hành động tự bốc đồ ăn
Vì vậy, bạn hãy chọn đúng thời điểm bé đã sẵn sàng để bắt đầu cuộc hành trình ăn dặm cùng con yêu nhé!
2. Thế nào là cho con ăn dặm đúng cách?
Ăn dặm từ loãng đến đặc
Trước khi chuyển sang chế độ ăn dặm, các bé vẫn đang uống sữa mẹ hoặc sữa bột. Vì vậy để dạ dày bé có thể thích nghi cho chế độ ăn dặm; các mẹ hãy thực hiện cho bé ăn dặm từ loãng đến đặc. Nên nấu đồ ăn dặm thật loãng, một thời gian sau mới nấu đặc dần lên.
Ăn dặm từ ngọt đến mặn
Trong giai đoạn đầu trước khi ăn dặm, bé được làm quen với vị ngọt từ sữa mẹ đến sữa công thức. Để bé có thể đón nhận đồ ăn dặm một cách dễ dàng thì ba mẹ nên chọn cho bé ăn đồ có vị ngọt trước. Sau đó dần dần chuyển sang món ăn có vị mặn theo khẩu vị của gia đình. Tuy nhiên lưu ý, vị ngọt và mặn ở đây không phải là gia vị mà là vị tự nhiên của thực phẩm.
Ăn dặm từ ít đến nhiều
Cho bé ăn dặm là một chặng đường không dễ dàng gì. Đừng vì mong con mau lớn, nhanh tăng cân mà cho con ăn quá nhiều. Dạ dày của bé cần thích nghi dần dần. Do vậy hãy cho con ăn dặm thật khoa học để bé hấp thu tốt nhất. Hãy cho con ăn một ít trước, có thể là 2-3 muỗng đồ ăn loãng; sau đó sẽ tăng dần lên.
Ăn dặm từ một nhóm thực phẩm đến nhiều nhóm thực phẩm
Giai đoạn cho bé ăn dặm cũng là giai đoạn bé tập làm quen và khám phá với những thực phẩm khác nhau. Vì vậy mẹ hãy cho bé ăn dặm theo từng nhóm thực phẩm nhất định để bé có thể phân biệt được mùi vị; cũng như kiểm tra xem bé có dị ứng với loại thực phẩm nào hay không. Sau đó, mẹ có thể kết hợp nhiều nhóm thức phẩm khác nhau cho bữa ăn của bé để tăng thêm dưỡng chất.
Ăn dặm theo nhu cầu, không ép bé ăn
Nhiều mẹ vì muốn bé ăn nhiều nên ép bé ăn dặm mặc dù có thể bé đã tỏ thái độ với món ăn đó. Điều này hoàn toàn sai lầm. Việc bị ép buộc ăn có thể khiến bé hình thành tâm lý tiêu cực với ăn uống, làm bé sợ ăn hãi việc ăn dặm. Vì vậy mẹ không nên ép bé ăn mà thay vào đó có thể cho bé bú nhiều hơn nếu bé không hào hứng với đồ ăn.
3. Thực phẩm nên và không nên cho bé ăn dặm
Ngoài việc chú ý cho bé ăn dặm sao cho đúng cách, mẹ cũng nên lưu ý những thực phẩm nên và không nên cho bé ăn dặm.
3.1 Thực phẩm nên cho bé ăn dặm
- Nhóm chất bột đường: Những thực phẩm đặc trưng của nhóm chất này là gạo, khoai, ngô, yến mạch,… Mẹ nên nghiền và nấu thành cháo loãng cho bé dễ hấp thụ. Nhóm thực phẩm này giúp cung cấp đầy đủ năng lượng cho bé.
- Nhóm chất đạm: Chất đạm cung cấp các axit amin cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng tế bào của bé. Vì vậy nó rất quan trọng đối với cơ thể của bé. Tuy nhiên, mẹ chú ý không nên bổ sung quá nhiều chất đạm vào thực đơn ăn dặm của bé nhé.
- Nhóm rau củ quả: Rau củ quả giúp cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp bé tiêu hóa tốt. Mẹ nên bổ sung nhiều thực phẩm này vào thực đơn ăn dặm cho bé. Các mẹ hãy thường xuyên xay nhuyễn rau ngót, rau cải, bí ngô, củ cải… để nấu cùng với cháo vì đây sẽ là nguồn bổ sung chất xơ hữu hiệu cho bé.
- Nhóm chất béo: Chất béo có vai trò quan trọng trong việc là dung môi giúp hòa tan các vitamin giúp cơ thể bé dễ dàng hấp thụ. Chính vì vậy mẹ không nên bỏ qua nhóm chất này. Ngoài dầu ăn, chất béo cũng đã có từ thịt, tôm, trứng gà.
3.2 Thực phẩm không nên cho bé ăn dặm
- Mật ong: Nếu mẹ cho bé ăn mật ong quá sớm có thể dẫn đến chứng ngộ độc nghiêm trọng đấy. Đối với trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ ngộ độc khi ăn mật ong.
- Thịt đóng hộp: thịt đóng hộp là loại thực phẩm không nên cho trẻ ăn dặm vì chúng chứa rất nhiều phụ gia. Đồng thời vỏ hộp bằng kim loại có thể ngấm vào thực phẩm gây hại cho sức khỏe.
- Các loại hạt, bỏng ngô, nho khô, đậu phộng có thể gây ngạt cho trẻ, mẹ nên tránh cho trẻ ăn nếu trẻ chỉ mới dưới 1 tuổi. Bơ đậu phộng thì có thể sử dụng cho trẻ sau 10 tháng tuổi.
- Sữa tươi: theo các bác sĩ nhi khoa, với trẻ dưới 12 tháng tuổi, hàm lượng protein và khoáng chất cao trong sữa tươi có thể gây căng thẳng cho thận đang phát triển của trẻ và dẫn đến bệnh tật.
Bài viết trên đây Nuoidayccon.com đã chia sẻ cách cho con ăn dặm đúng cách; hy vọng giúp được ba mẹ có thêm nhiều kiến thức trước khi bắt đầu hành trình cho con ăn dặm!