Bé đi ngoài nhiều lần trong ngày chắc hẳn là nỗi lo lắng rất lớn của các bậc cha mẹ. Trong từng giai đoạn phát triển thì việc trẻ đi ngoài nhiều lần luôn tiềm ẩn dấu hiệu về những căn bệnh, thay đổi bất thường trong cơ thể bé. Nếu không phát hiện được sự bất thường và tìm cách xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ, thậm chí đe dọa đến tính mạng của con. Chính vì vậy mà ba mẹ luôn phải theo dõi và chú ý. Để hiểu rõ hơn về việc trẻ đi ngoài nhiều lần khi nào là nguy hiểm? Kèm theo các dấu hiệu bất thường ra sao? Cần lưu ý những gì? Ba mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Xem thêm:
1. Bé đi ngoài nhiều lần trong ngày, khi nào là bất thường?
Đối với trẻ sơ sinh, đặc biệt là trong khoảng 1-3 tháng đầu; việc bé đi vệ sinh ngay sau ăn, hoặc đi nhiều lần trong ngày từ 4-8 lần, đi phân vàng, lợn cợn, hơi sền sệt thì đều là dấu hiệu bình thường. Sau đó tần suất đi ngoài của bé sẽ có sự thay đổi, cứ cách từ 2 – 3 ngày sẽ đi một lần. Lý do là thời gian này, hệ tiêu hóa của bé có thể hấp thụ và chuyển hóa được triệt để những dinh dưỡng có trong thức ăn, chính vì thế mà phải cần đến 2 -3 ngày mới có thể tích tụ đủ lượng chất thải cần thiết và tống ra ngoài. Trong một vài trường hợp, trẻ vẫn có thói quen đi ngoài nhiều hơn, nhưng nếu vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường thì mẹ cũng không cần phải lo lắng.
Tuy nhiên, có những trường hợp đi ngoài nhiều lần trong ngày là tình trạng bất thường. Nếu không xử lý kịp thời sẽ có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Vậy trẻ đi ngoài thế nào là bất thường? Ba mẹ hãy tham khảo và chú ý để sớm có biện pháp xử lý nếu thấy có dấu hiệu bất thường ở bé.
Ở trẻ em, tùy theo từng độ tuổi sẽ có những cách khác nhau để xác định việc trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày có phải bất thường hay không. Cụ thể như sau:
- Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, tần suất đi ngoài trên 8 – 10 lần được xem là bất thường đối. Đi ngoài nhiều lần cũng sẽ là bất thường với những trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi (nếu đi ngoài từ 4 – 5 lần/ ngày) và từ 3 lần/ ngày đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
- Bé đi ngoài nhiều lần trong ngày kèm quấy khóc, mệt, bỏ ăn, bỏ bú, có thể kèm theo triệu chứng sốt.
- Bé đi ngoài bị phân lỏng, có bọt, chất nhày lẫn trong phân. Có những trường hợp phân có mùi tanh, màu xanh hoặc phân có lẫn máu.
- Khi đi ngoài phân lỏng nhiều lần là dấu hiệu bệnh lý thì trẻ cực kỳ dễ bị mất nước. Nếu bé đi ngoài nhiều lần, kèm theo tình trạng khóc không ra nước mắt, mắt trũng, thóp bị lõm xuống, không tiểu hoặc đi tiểu ít, da bị nhăn nheo; thì lúc này bé đang bị mất nước cực kỳ nghiêm trọng rồi, bố mẹ phải đưa bé đi bệnh viện ngay.
- Đặc biệt, khi trẻ đi ngoài nhiều lần, khoảng 10 – 15 phút/ lần, có biểu hiện nóng sốt, nôn, sốt trên 39 độ thì nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sĩ, rất có thể trẻ đang bị tiêu chảy cấp. Nếu thấy các triệu chứng trên, bạn cần phải lưu ý và tìm cách điều trị cho hợp lý.
2. Nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé bị đi ngoài nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên dưới đây sẽ là những nguyên nhân phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ.
Nhiễm trùng đường ruột
Nhiễm trùng đường ruột là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng trẻ đi ngoài nhiều lần. Nhiễm trùng đường ruột có thể là do virus, ký sinh trùng hoặc vi khuẩn. Khi bị nhiễm trùng đường ruột, trẻ sẽ bị đi ngoài phân lỏng hoặc nước kèm theo nôn mửa, đau dạ dày, sốt…
Dị ứng thực phẩm
Trẻ sơ sinh có thể bị dị ứng với protein có trong sữa công thức. Bên cạnh đó, nếu mẹ đang cho bé tập ăn dặm, bé có thể dị ứng với thức ăn, đặc biệt là thức ăn đóng hộp.
Khả năng dung nạp thức ăn kém
Một số loại thức ăn có thể khiến bé có vấn đề về đường tiêu hóa do dưỡng chất của chúng không đi được vào máu mà nằm lại ở ruột; dẫn đến tình trạng cơ thể bị thiếu chất, dạ dày khó tiêu, đau bụng và đi ngoài nhiều lần.
Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa bắt nguồn từ thực phẩm nạp vào cơ thể cho bé. Nếu bé đang bú sữa mẹ thì có thể là do mẹ ăn thực phẩm lạ nào đó khiến bé bị tác động. Còn nếu bé đang được tập ăn dặm thì chính nguồn thức ăn mẹ nấu ăn dặm cho bé gây ra rối loạn tiêu hóa, khiến bé bị đi ngoài nhiều lần.
3. Bé đi ngoài nhiều lần trong ngày cần lưu ý gì?
Khi trẻ bị đi ngoài nhiều lần, ba mẹ nên bình tĩnh và xử lý. Một số lưu ý dưới đây có thể sẽ giúp ích nhiều cho ba mẹ khi bé yêu gặp tình trạng này; hoặc cũng là để phòng tránh cho bé không gặp vấn đề như vậy.
- Phải cho trẻ uống nhiều nước hoặc bổ sung chất điện giải oresol để bù lại lượng nước đã mất khi đi ngoài quá nhiều lần.
- Cần phải vệ sinh, tắm rửa thật sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn. Sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn phải rửa sạch tay bằng xà phòng.
- Luôn giữ môi trường sống sạch sẽ, các vật dụng và đồ chơi của trẻ cần phải được khử trùng thường xuyên.
- Các đồ vật bé dùng như thìa, đũa, bát, chén,...đều vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng.
- Các loại thực phẩm cho trẻ ăn phải đảm bảo an toàn, tươi sống, không sử dụng các loại thực phẩm đã để lâu ngày, thức ăn ôi thiu cho trẻ sử dụng.
- Nên cho bé ăn cháo hầm nhừ, thức ăn mềm, dễ tiêu hóa để tránh mất nước.
- Chỉ cho trẻ ăn nhạt và không được cho những gia vị dễ kích ứng dạ dày như tiêu, ớt… vào thức ăn của trẻ.
- Thay tã, bỉm cho bé thường xuyên, đảm bảo vệ sinh và tránh bé bị hăm tã.
- Trong trường hợp trẻ vừa bị tiêu chảy liên tục, vừa sốt cao thì nên đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị.
Hy vọng với những thông tin trên đây mà chúng tôi cung cấp, ba mẹ sẽ có thêm được nhiều thông tin về vấn đề trẻ bị đi ngoài nhiều lần trong ngày. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!