Nhiệt miệng là chứng bệnh không hiếm gặp ở mọi lứa tuổi; từ trẻ em, người lớn tuổi hay người già,…Nhiệt miệng gây khó chịu và cảm giác đau đớn khi mọi người mắc phải; bên cạnh đó nhiệt miệng còn hay tái phát lại nhiều lần. Những cơn đau do nhiệt miệng gây ra có thể khiến mọi người không muốn ăn uống, khó ngủ mất ngủ. Đặc biệt là khi nhiệt miệng xảy ra đối với trẻ em, trẻ sơ sinh. Tình trạng này thường khiến cha mẹ lo lắng vì trẻ quấy khóc nhiều và ăn kém. Vậy nguyên nhân gây nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh là gì? Và cách chữa nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh như thế nào an toàn và hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Xem thêm:
1. Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng là một vết loét nhỏ, nông, phát triển ở những mô mềm bên trong má hoặc môi, bên dưới lưỡi hoặc trên nướu của bạn. Vết tổn thương do nhiệt miệng có thể kéo dài vài ngày và tự khỏi.
Biểu hiện khi trẻ bị nhiệt miệng là diễn ra một hoặc một vài đốm 1 – 2 mm màu trắng hoặc trắng ngà tại niêm mạc miệng hay đầu lưỡi. Vết loét có khả năng to dần gây trở ngại đến việc ăn uống nếu như tuyệt đối không chữa trị. Đặc biệt, nhiệt miệng còn là một trong những biểu hiện của một số bệnh như viêm ruột hoặc loét dạ dày ở trẻ em rất nguy hiểm.
2. Nguyên nhân gây nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh
Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh là một dạng tổn thương lành tính. Nguyên nhân gây ra nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh thường là một hoặc một vài trong những lý do sau:
- Khoang miệng của bé không được vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên
- Bé dùng tay cào vào miệng gây tổn thương niêm mạc; hay bố mẹ sơ ý gây tổn thương vùng niêm mạc khi vệ sinh khoang miệng cho bé.
- Chức năng miễn dịch suy giảm, sức đề kháng kém
- Sau khi dùng thuốc điều trị bệnh và gặp tác dụng phụ của thuốc; do mẹ ăn các thức ăn nóng làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ, bé bị dị ứng với loại thức ăn nào đó.
- Thiếu vitamin, bao gồm thiếu máu do thiếu sắt và thiếu folate, kẽm hoặc vitamin B12.
- Bị tấn công bởi vi rút herpes hoặc bó thể do bị rối loạn nội tiết
3. Triệu chứng bệnh nhiệt miệng trẻ sơ sinh thường gặp
Tình trạng nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh có thể được phát hiện bằng một số triệu chứng và dấu hiệu sau:
- Trong niêm mạc miệng xuất hiện một vài đốm trắng 1 – 2 mm
- Xuất hiện những mụn nhỏ hoặc vết loét trên đầu lưỡi
- Bé liên tục thấy đau trong miệng
- Nướu răng sưng tấy hoặc có thể chảy máu
- Nhăn nhó hoặc uể oải, không vui chơi thoải mái như mọi ngày
- Bé có thể bị sốt đột ngột
- Miệng chảy nhiều nước dãi.
- Trẻ không hứng thú với ăn uống, bỏ ăn và quấy khóc
4. Cách chữa nhiệt miệng cho trẻ sơ sinh hiệu quả
Trong thời kỳ bị nhiệt miệng, các bé sẽ thường quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, hoặc có thể sốt nóng. Chính vì vậy cha mẹ không nên chủ quan và hãy tham khảo những cách chữa nhiệt miệng cho trẻ sơ sinh được tổng hợp dưới đây:
Đảm bảo vệ sinh miệng cho bé
Hãy thực hiện rơ lưỡi cho bé thường xuyên hằng ngày bằng dụng cụ rơ lưỡi chuyên dụng hoặc bằng nước muối sinh lý ấm. Làm như vậy có thể giảm sự tấn công của vi khuẩn, virus. Cũng là cách để sát trùng vị trí nhiệt miệng cho trẻ, làm lành vết tổn thương do nhiệt miệng nhanh chóng hơn.
Hãy thực hiện rơ lưỡi và vệ sinh khoang miệng cho bé sau khi cho bé bú xong hoặc sau mỗi bữa ăn. Bạn có thể thay thế nước muối ấm bằng nước rau ngót hoặc nước củ cải trắng để rơ lưỡi cho bé. Và luôn nhớ rằng trẻ em dưới 1 tuổi thì không được dùng mật ong để rơ lưỡi.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ
Khi trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng, các mẹ nên lưu ý bổ sung tăng cường các loại thực phẩm giàu Vitamin C đặc biệt là hoa quả tươi; chúng giúp tăng cường sức đề kháng và nhanh lành các vết tổn thương. Nếu bé còn đang bú sữa mẹ hoàn toàn, mẹ hãy uống nhiều nước ấm ăn nhiều hoa quả tươi để nguồn sữa có chất lượng, giúp vết nhiệt miệng mau lành. Với những bé lớn hơn, hãy lựa chọn lúc bé không sốt không quấy để cho bé bú mẹ và bổ sung thức ăn nhiều hơn.
Tận dụng nguyên liệu tự nhiên làm thuốc bôi cho con
Ngoài ra, cũng có nhiều cách trị nhiệt miệng cho bé bằng những nguyên liệu tự nhiên, an toàn và nhanh khỏi. Mẹ có thể tham khảo để làm thuốc bôi vào vị trí nhiệt miệng giúp vết thương mau lành và tránh lan rộng hơn:
+ Dùng lá húng chanh rửa sạch, giã lấy nước cốt rồi chấm vào chỗ bị nhiệt miệng cho trẻ 3-4 lần ngày.
+ Dùng 1 nhúm cam thảo đun sôi với nước đến khi gần cạn để lấy nước cốt và thoa lên vị trí nhiệt miệng 2-3 lần/ ngày.
+ Dùng quả khế chua để xoa lên vết tổn thương do nhiệt miệng cho bé (tuy nhiên bạn nên lưu ý vì vị chua của quả khế có thể gây ra tình trạng nôn trớ cho trẻ)
Nếu bé có biểu hiện sụt cân nhanh, bỏ ăn bỏ bú, vết nhiệt miệng lan rộng và sâu hơn; ba mẹ hãy nhanh chóng đưa bé tới khám tại các sơ sở y tế để kịp thời khắc phục, không ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe.
5. Khi nào nên đưa trẻ bị nhiệt miệng đi khám bác sĩ?
Thông thường, bệnh nhiệt miệng ở trẻ nhỏ có khả năng tự lành vết thương sau vài ngày mà không cần can thiệp của bác sĩ. Tuy nhiên, có một vài trường hợp khi bé nhiệt miệng mẹ phải đưa con đến khám bác sĩ, bạn cần lưu ý:
- Bé sốt cao và ngủ li bì không thấy quấy khóc ( cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay)
- Trong phân có lẫn chất nhầy
- Bé giảm cân nhanh và đột ngột
- Bé biểu hiện đau đớn nhiều ở vùng bụng
- Có biểu hiện viêm loét ở vùng da xung quanh hậu môn ( biểu hiện này khi bé bị nhiệt miệng có thể là triệu chứng của viêm loét dạ dày hay viêm ruột)
Các mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng và những biểu hiện của bé trong khi bị nhiệt miệng; để có thể kịp thời ngăn chặn những tình huống xấu có thể xảy ra khiến sức khỏe bé bị ảnh hưởng.
Trên đây là những thông tin liên quan đến bệnh nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh và cách chữa nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh an toàn mà nuoidaycon.com chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích với các mẹ.